N hiều bậc cha mẹ rất không thoải mái khi nói đến tình dục tuổi “teen” và thường lảng tránh hoặc từ chối. Nhưng thực tế cho thấy, thanh thiếu niên còn thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, các biện pháp tránh thai, đặc biệt là những bệnh lây truyền qua đường tình dục và thời điểm dễ thụ thai trong chu kỳ kinh nguyệt của nữ thanh niên. Tỷ lệ nạo phá thai ở độ tuổi vị thành niên của Việt Nam khá cao, chiếm khoảng 20% trong tổng số ca nạo phá thai hàng năm (khoảng 300.000 ca), cao nhất so với các nước Đông Nam Á và vẫn có xu hướng tăng lên (theo thông tin từ Vụ các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, 2015).
Thế nào là “tình dục an toàn”?
Theo các nhà cung cấp dịch vụ sức khỏe trên thế giới: “Tình dục an toàn duy nhất là không tình dục”. Lý do là vì tất cả các dạng tiếp xúc tình dục đều tiềm ẩn nguy cơ nào đó. Tuy nhiên, những lưu ý nhất định và thái độ an toàn có thể giảm thiểu các nguy cơ bị bệnh lây truyền qua đường tình dục . Đối với các bậc cha mẹ, cần dạy dỗ con cái về tình dục an toàn trước khi con của họ có hoạt động tình dục.
Nói với lứa tuổi “teen” về tình dục an toàn
Viện Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics – AAP) khuyến cáo các bậc cha mẹ bắt đầu nói chuyện với những đứa trẻ về tình dục khi chúng hỏi câu đầu tiên về nơi em bé chui ra từ đâu, thường ở lứa tuổi 3-4 tuổi. Mặc dù nhiều trẻ vị thành niên có thể nói chúng biết mọi thứ về tình dục, các nghiên cứu vẫn cho thấy còn nhiều trẻ vị thành niên không được thông tin đầy đủ về tình dục cũng như các bệnh lây truyền qua đường tình dục .
Các bậc cha mẹ là nguồn cung cấp thông tin tốt nhất, chính xác cho các con của họ. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ không biết cách bắt đầu nói chuyện về tình dục an toàn với con như thế nào. Sau đây là một số gợi ý cách bắt đầu nói chuyện về tình dục an toàn cho các con tuổi vị thành niên:
Cha mẹ cần nói chuyện bình tĩnh và thân mật về tình dục an toàn.
Có thể thực tập nói chuyện về tình dục an toàn với những người lớn khác trước khi nói với trẻ vị thành niên.
Cần lắng nghe những đứa trẻ vị thành niên của mình và trả lời các câu hỏi của chúng một cách thân mật.
Các chủ đề phù hợp với bàn luận về tình dục an toàn có thể là: các bệnh lây truyền qua đường tình dục và cách phòng chống, kiểm soát mang thai, các dạng hoạt động tình dục khác, sự cưỡng dâm.
Những người khác có thể giúp nói chuyện với những trẻ vị thành niên của bạn về tình dục an toàn: các bác sĩ hoặc những người cung cấp dịch vụ y tế, người thân – họ hàng, những người có vai trò về tôn giáo.
Một số khái niệm sai lầm
Hôn nhau được nghĩ là hoạt động an toàn. Tuy nhiên, virus herpes và các bệnh khác có thể lây truyền qua cách này.
Bao cao su thường được cho rằng bảo vệ khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục . Trong khi thực sự nếu sử dụng bao cao su đúng cách và liên tục sẽ giúp ích trong việc phòng chống một số bệnh nhất định như chlamydia và lậu, nhưng không bảo vệ hoàn toàn khỏi những bệnh khác như mụn cóc sinh dục, herpes và giang mai.
Làm gì để đảm bảo tình dục an toàn?
Giới hạn hoạt động tình dục với một bạn tình duy nhất mà người này chỉ có tình dục duy nhất với bạn để giảm phơi nhiễm với các căn nguyên gây bệnh. Sau đây là các hướng dẫn để tình dục an toàn hơn:
Nghĩ hai lần trước khi có quan hệ tình dục với bạn tình mới. Trước hết, hãy nói chuyện với bạn tình về những bạn tình cũ, lịch sử bệnh lây truyền qua đường tình dục và dùng thuốc.
Sử dụng bao cao su. Bao cao su nam giới làm từ latex hoặc polyurethane – không phải là vật liệu tự nhiên. Polyurethane chỉ nên sử dụng nếu bị dị ứng với latex. Bao cao su nữ làm từ polyurethane.
Mặc dù các nghiên cứu chỉ ra rằng nonoxynol-9 spermicide giết chết HIV trong phòng thí nghiệm, vẫn chưa xác định được spermicide (sử dụng đơn độc hoặc dùng với bao cao su) có bảo vệ chống lại HIV hay không. Tuy nhiên, Trung tâm phòng chống và kiểm soát bệnh của Hoa Kỳ (Centers for Disease Control and Prevention – CDC) khuyến cáo nên dùng bao cao su (có hay không có spermicide) để giúp phòng chống lây truyền HIV qua đường tình dục.
Với tình dục qua đường miệng, dùng bao cao su để bảo vệ miệng an toàn. Tại Trung tâm Nam học - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chúng tôi thường xuyên phải tiếp nhận rất nhiều trường hợp bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục mà do hiểu biết không tốt về tình dục an toàn. Rất nhiều bạn cho rằng tình dục an toàn là chỉ cần quan hệ tình dục qua cơ quan sinh dục mới cần an toàn, còn qua các đường khác như qua đường miệng thì “vô tư”, hậu quả là vẫn bị bệnh như thường.
Phụ nữ không nên thụt rửa âm đạo sau khi quan hệ tình dục – nó không giúp bảo vệ các bệnh lây truyền qua đường tình dục, mà còn làm lan truyền căn nguyên gây bệnh lên cao hơn vào đường sinh dục, hơn nữa còn rửa mất chất bảo vệ spermicide.
Khám bác sĩ thường xuyên về các test , thăm khám vùng tiểu khung và định kỳ làm các test về các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Lưu ý về cơ thể bạn tình của bạn: xem có dấu hiệu của viêm loét, mẩn đỏ hoặc dịch tiết bất thường,...
Kiểm tra cơ thể của bạn về các biểu hiện tương tự.
Cân nhắc hoạt động tình dục bằng đường khác không qua âm đạo như đường miệng, đường hậu môn – các kỹ thuật không kéo theo sự trao đổi dịch cơ thể hoặc tiếp xúc giữa các màng niêm mạc.
TS. BS. Nguyễn Quang