Pages

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2019

Thế giới người điên

Khoảng 3h sáng, tại khu phòng bệnh của Bệnh viện Tâm thần An Định, Bắc Kinh, bệnh nhân Lý Phụng Anh 86 tuổi trút hơi thở cuối cùng. Nhân viên cửa hàng tang lễ mang đến một tấm khăn liệm. Ngay sau đó, thi thể của bà quấn trong tấm khăn này được chuyển tới nhà xác của Bệnh viện Jishuitan (Tích Thủy Đàm).

Năm 2005, bà Lý Phụng Anh nhập viện với chứng bệnh tâm thần phân liệt. Lần nhập viện này kéo dài tới 14 năm. Bà không có cơ hội "về thăm nhà". Cho đến khi qua đời, bà vẫn chưa có cơ hội nói lời từ biệt cuối cùng với con gái và chồng mình. Bà không biết cuộc sống, sinh mệnh của mình từ lâu đã bị gia đình từ bỏ.

Tại bệnh viện An Định, mỗi khi bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy hiểm, cửa hàng tang lễ sẽ được liên hệ ngay lập tức. Bệnh nhân cũng phải ký vào giấy cam kết "từ chối chuyển viện, chấp nhận mọi kết quả có thể xảy ra".

Sự ra đi trong cô quạnh của bà Lý Phụng Anh không phải là trường hợp cá biệt. Tại khu phòng bệnh của bệnh viện có khoảng gần 800 bệnh nhân nội trú, 20% trong số này tuổi đã cao, nằm viện lâu dài. Thời gian của một bệnh nhân ở lâu nhất là hơn 20 năm. Phần lớn bệnh nhân nằm viện lâu dài ở đây đã không có cơ hội về nhà, qua đời là cách thức duy nhất để họ có thể bước chân ra khỏi bệnh viện.

Đối với gia đình của các bệnh nhân này, sự ra đi của họ có lẽ chính là một sự giải thoát.

Y tá đang hỏi thăm bệnh nhân tâm thần. Ảnh: Xinhua

Y tá đang hỏi thăm bệnh nhân tâm thần. Ảnh: Xinhua

Không giống như các bệnh thông thường khác, bệnh nhân tâm thần thường khiến cho người ta muốn xa lánh. Theo dữ liệu từ trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, số bệnh nhân tâm thần nước này đã vượt quá 100 triệu, trong đó người bị tâm thần phân liệt hơn 6,4 triệu.

Bệnh viện An Định là một trong những bệnh viện chuyên khoa điều trị bệnh tâm thần ở thủ đô, hàng ngày khám chữa cho khoảng 1.500 bệnh nhân ngoại trú. Nhiều bệnh nhân đến đây mang tâm thế không dễ dàng chấp nhận bản thân có vấn đề về thần kinh.

Ngày 14/7, một người chồng đang giữ chặt vợ mình, kéo cô vào khu phòng điều trị ngoại trú của bệnh viện. Trong lúc anh đăng ký lấy số khám bệnh, cô vợ đã nhanh chóng chạy ra khỏi phòng. Anh chỉ có thể quay người đuổi theo, dùng hết sức lực bảo vệ để vợ đừng làm chuyện dại dột. Người vợ không hiểu nổi hành động của anh, cô ngồi bệt xuống đất, la hét, gào khóc...

"Những cảnh tượng như vậy diễn ra hàng ngày tại đây", bác sĩ Khương Đào - Trưởng khoa của bệnh viện An Định cho biết. Anh đã quen với điều này từ rất lâu rồi. Một tuần ba ngày tại phòng khám, ngồi đối diện anh là các bệnh nhân với đủ thứ bệnh về tinh thần khác nhau. Sau khi chẩn đoán, bệnh nhân đủ điều kiện sẽ được sắp xếp nhập viện điều trị.

Khu phòng bệnh của bệnh viện tâm thần là một khu vực tương đối khép kín. Vì lý do an toàn, các cửa sổ bên ngoài chỉ có thể mở một vài cm. Từ phòng bệnh nhìn ra thế giới bên ngoài, khoảng cách chưa đến 50 mét nhưng phải qua hai lớp cửa. Các nhân viên y tế cẩn thận giữ chìa khóa, bất cứ ai ra vào cũng phải khóa cửa.

Trong thế giới đó, một ngày bắt đầu và kết thúc đều bằng việc uống thuốc. Có những bệnh nhân một ngày phải uống 6 viên thuốc.

Các bác sĩ cho biết những bệnh nhân rối loạn tâm thần sau khi được chữa trị khỏi, tâm tính sẽ ổn định, không gây hại cho xã hội. Không phải tất cả bệnh nhân rối loạn tâm thần đều có khuynh hướng bạo lực, ước tính chỉ khoảng 10 đến 20%.

Theo bác sĩ Khương Đào, vấn đề phục hồi chức năng cho các bệnh nhân tâm thần không được ủng hộ từ mọi người. Các yếu tố như gia đình vứt bỏ, xã hội kỳ thị... khiến một số bệnh nhân phải ở lại bệnh viện đến hết cuộc đời. Cái chết, với họ thật ra là sự giải thoát.

Hồng Tuyết (Theo X inhua )

Shop Chuyên Bán Đồ Phong Thủy - Điện Thoại Cổ - Kính Mắt - Giao Hàng Toàn Quốc

 
------------------- ---------------------------